DỰ ĐOÁN - NĂM 2030 NĂNG LƯỢNG TÁI TẠO CÓ THỂ CHIẾM 1/3 TỔNG NGUỒN CUNG Ở VIỆT NAM
Dự báo này được đưa ra bởi Công ty tư vấn hàng đầu thế giới McKinsey&Co tại buổi tọa đàm “Một số giải pháp cho tương lai năng lượng Việt Nam” do Ban Kinh tế Trung ương tổ chức mới đây tại Hà Nội.
Ông Matt Rogers, Giám đốc cấp cao của công ty tư vấn hàng đầu thế giới McKinsey&Co cho biết, nhu cầu tiêu thụ điện của Việt Nam ngày càng tăng. Để đảm bảo an ninh điện, trong năm 2016, Việt Nam đã phải nhập khẩu 13,3 triệu tấn than, gần gấp đôi con số của năm 2015 (6,9 triệu tấn). Nguồn năng lượng này đã tạo ra nhiều tác động lớn đối với kinh tế – xã hội, đặc biệt là môi trường. Trong bối cảnh đó, năng lượng tái tạo là một giải pháp thay thế cần thiết, tác động lâu dài đến sức khỏe của người dân, đảm bảo nhu cầu của ngành điện, tăng trưởng GDP…
Theo một báo cáo của McKinsey, trong 5 năm qua, thị trường năng lượng có sự thay đổi lớn. Giá năng lượng mặt trời đã giảm từ 3,5 USD/W năm 2012 xuống còn 90 cent/W; tương tự giá điện gió giảm từ 2,5 USD/W xuống còn 1,5 USD/W.
Việt Nam có tiềm năng lớn trong việc phát triển điện gió và điện mặt trời. Trong đó, điện mặt trời có thể đạt tới công suất xấp xỉ 50 GW cho các nhà máy điện mặt đất với hơn 14% chỉ số công suất. Còn với điện gió, Việt Nam sở hữu bờ biển dài trên 3.260km, gió biển quanh năm, nên việc chuyển đổi sang nguồn năng lượng này sẽ khá dễ dàng.
Dự báo đến năm 2030, năng lượng tái tạo sẽ chiếm 1/3 nguồn cung năng lượng ở Việt Nam. Con đường dựa vào năng lượng tái tạo sẽ mang đến một tầm nhìn hấp dẫn hơn cho tương lai ngành năng lượng của Việt Nam.
Về lợi ích kinh tế, việc dựa vào năng lượng tái tạo sẽ giảm bớt nợ vay của Chính phủ đến 56 tỷ USD trong 10 năm tới. Bên cạnh đó, tận dụng được lợi thế chi phí đầu vào và vận hành hàng năm thấp hơn theo lộ trình dựa vào năng lượng tái tạo. Những khoản tiết kiệm đáng kể này sẽ giúp Nhà nước linh hoạt hơn về tài chính và đảm bảo vững chắc bảng cân đối tài sản.
Về lợi ích môi trường, dự báo lộ trình năng lượng tái tạo sẽ làm giảm 32% phát thải khí nhà kính và 33% phát thải các loại hạt bụi. Ngoài ra, lợi ích xã hội từ sử dụng năng lượng tái tạo cũng không nhỏ khi tạo ra thêm 465.000 việc làm qua các năm.
Để tạo điều kiện phát triển nguồn năng lượng tái tạo, ông Lê Văn Lực, Phó Cục trưởng Cục Năng lượng tái tạo – Bộ Công Thương cho biết, hiện nay Việt Nam đang có quy hoạch phát triển năng lượng tái tạo để giảm phát thải và tình trạng hiệu ứng nhà kính. Bộ Công Thương đã xây dựng nhiều cơ chế khuyến khích sử dụng năng lượng tái tạo và đề xuất Chính phủ có các giải pháp chính sách cụ thể thúc đẩy năng lượng tái tạo, bao gồm: chính sách giá, ưu đãi thuế…
Theo ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài – Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năng lượng luôn là ngành được ưu tiên trong phát triển kết cấu hạ tầng ở Việt Nam. Hiện nay, Chính phủ rất coi trọng năng lượng tái tạo và ưu tiên tư nhân đầu tư vào lĩnh vực này. Để khuyến khích đầu tư tư nhân, Chính phủ đã dành những ưu đã nhất định, như: giảm mức thuế thu nhập doanh nghiệp đối với doanh nghiệp đầu tư vào năng lượng, đất dự án được miễn thuế toàn bộ… Nhờ đó, thời gian qua, nhiều dự án BOT trong phát triển năng lượng tái tạo đã được triển khai.
Bình luận